Rau sắn muối chua
Lâu nay, rau sắn là một trong những món ăn quen thuộc có trên mâm cơm của những người dân Phú Thọ. Được thưởng thức bát canh rau sắn muối chua nấu cùng cá đồng tươi roi rói, thì quả thực không có bất cứ sơn hào, hải vị nào có thể sánh cùng.
Rau sắn muối chua được xào thật kỹ trước khi đem nấu. (Ảnh: Bà Trùm)
Rau sắn muối chua được xào thật kỹ trước khi đem nấu. (Ảnh: Như Biển)
Để có được những bát canh rau sắn ngon ngọt, quan trọng nhất là công đoạn muối rau phải thật khéo. Người ta thường chọn những búp sắn non, mập mạp hái về ngâm qua nước cho bớt nhựa rồi vò nát. Sau khi vò xong, trộn lá sắn với chút muối cho thêm vị đậm đà và để 4 đến 5 ngày ủ chua. Rau sắn muối đạt chuẩn là có màu vàng đều, mùi chua dịu. Khi ăn, có thể nấu cùng với cá, chân giò, xương hoặc lạc giã nhỏ đều vô cùng thơm ngon, hấp dẫn.
Canh rau sắn nấu cá là một trong những món ăn được ưa thích. (Ảnh: Như Biển)
Canh rau sắn nấu cá là một trong những món ăn được ưa thích. (Ảnh: Như Biển)
Cọ ỏm
Nhắc tới những món ăn dân dã đã trở thành đặc sản của mảnh đất Phú Thọ, người ta không thể không nhắc tới món cọ ỏm béo, bùi hết sẩy.
Cọ ỏm là món ăn quen thuộc của người dân Phú Thọ. (Ảnh: Vân Nguyễn/Vnexpress.net)
Cọ ỏm là món ăn quen thuộc của người dân Phú Thọ. (Ảnh: Vân Nguyễn/Vnexpress.net)
Mỗi năm, cứ vào khoảng tháng 10, tháng 11 hàng năm là thời điểm quả cọ bắt đầu chín. Lựa những quả tròn, cùi dày người dân nơi đây làm món cọ ỏm. Chỉ cần đun một nồi nước, khi sôi liu riu đem thả cọ vào, đậy vung và đun nhỏ lửa. Sau 5 đến 10 phút, đổ cọ ra rổ chờ khi ráo nước là có thể ăn ngon lành. Món cọ ỏm đạt chuẩn là khi ăn thấy có vị mềm, bùi, ngọt, béo ngậy và thơm hương.
Măng sặt
Măng sặt đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Măng sặt đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Măng sặt mọc ở nhiều nơi tại tỉnh Phú Thọ, nhưng măng sặt ngon nhất có lẽ phải kể đến măng sặt mọc trên núi Buộm - dãy núi cao nhất ở Ấm Hạ. Cứ vào tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hàng năm, người dân Ấm Hạ lại lên núi hái măng sặt về chế biến thành các món ăn ngon, hấp dẫn như: măng sặt om xương, măng sặt xào, măng sặt luộc, măng sặt nướng trên than củi, măng sặt hầm cá, hay măng sặt ngâm giấm ớt.
Rêu đá
Rêu đá nướng - món ăn lạ và hiếm ở Phú Thọ. (Ảnh: Kiến thức)
Rêu đá nướng - món ăn lạ và hiếm ở Phú Thọ. (Ảnh: Kiến thức)
Vào tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, những người dân ở huyện Thanh Sơn thường rủ nhau ra suối lấy rêu đá. Rêu đá ngon, non và sạch nhất là ở những vùng nước suối chảy xiết, có nhiều tảng đá lớn. Có lẽ vì thế mà rêu đá được coi như là loại rau hiếm, được bán với giá cao và chỉ khi có khách quý người dân Thanh Sơn mới đem ra thết đãi.
Rêu đá có thể chế biến thành nhiều món như: xào, luộc, nấu canh, nộm nhưng ấn tượng nhất là rêu đá nướng. Rêu được ướp gia vị tỏi ớt, gừng, sả, hạt dổi, hạt mắc khén, lá chanh, rồi thêm thịt mỡ cuộn trong lá dong hoặc ống nứa non để nướng. Khi ăn, rêu nướng có mùi thơm thơm, cay cay hòa quyện với mùi nồng của tỏi ớt, chút béo ngậy của thịt mỡ tạo nên dư vị khó quên đối với thực khách.